Quê tôi nổi tiếng là vùng quê nghèo, hồi đó cơm trắng là một món xa xỉ chỉ có khi ốm nặng mới dùng đến nó như là thuốc bổ, hoặc nhà giàu mới dùng món xa xỉ này, mà quê hồi đó chẳng ai giàu. Quê tôi cũng có tiếng là hiếu khách, dù trong nhà còn một cân gạo dành dụm độn khoai đến hết tháng, khi có khách vẫn dốc hết đãi khách để hôm sau trong nồi cơm chỉ toàn khoai. Từ nhỏ quê tôi đã quen câu nói ”Nhịn miệng thết khách”.
Chú mự tôi có 2 con, gái đầu trai sau. Kinh tế không dư dật nhưng cũng không phải ăn vay, gia đình nền nã hạnh phúc. Chú tôi là người có học, một bụng chữ nho một kho chữ quốc ngữ, thích thơ phú đàm đạo văn chương lại có nghề thuốc bắc nên bạn nhiều. Hôm đó nhà làm cơm khách, khách là người chữ nghĩa uyên thâm mà chú tôi ngưỡng mộ từ lâu, nhà có 3 con gà thì con gà trống là gà mượn để gây giống không thịt được,con gà mạ đang ấp trứng cũng phải để lại, còn 1 con gà mái khoảng gần 8 lạng , còn gầy lắm nhưng là lựa chon duy nhất lúc này . Nhà trên chú tôi và khách say sưa đàm đạo văn chương thơ phú…Dưới bếp mợ tôi và con gái bí mật bắt gà làm thịt theo cách nhẹ nhàng nhất để không kinh động đến khách và hàng xóm. Dù vậy nhưng tiếng thớt, tiếng dao và đặc biệt mùi thơm đặc trưng thịt gà lá chanh thì không thể dấu được. Thằng bé con chú đi chăn trâu vừa về đến đầu làng đã được 1 thằng bạn chạy ngược ra mách cho nó biết 1 tin quan trọng: “Nhà mi bữa ni có khách có thịt gà”.
Về đến cửa, mùi thịt gà tỏa ra ngào ngạt,nước bọt trong miệng nó chảy ào ạt làm nó nuốt liên hồi, tuy vậy nó cũng tỏ ra bình tĩnh cho trâu vào chuồng xong lên khoanh tay chào khách rồi quay xuống bếp tóm lấy con chị hỏi nhỏ:
-Hôm nay mình được ăn thịt gà hả chị?
Con chị gật gật nhìn em với ánh mắt sung sướng chẳng kém em.
Mự tôi bê mâm cơm lên nhà trên, trên chiếc mâm đồng đã được con gái dùng trấu đánh bóng sáng loáng gồm có: 2 đĩa cơm trắng tinh bốc hơi nghi ngút, 1 đĩa rau muống xào tỏi xanh màu ngọc, 1 tô lòng, cổ cánh gà nấu miến, đĩa thịt gà kho gừng màu cánh gián có rắc lá chanh đang nóng hổi được đặt trang trọng ở giữa mâm, bên cạnh có chai rượu quê nút lá chuối. Đó thật sự là “mâm cơm của những giấc mơ”. Nhẹ nhàng đặt mâm cơm xuống, với nụ cười tươi như hoa đại và vẻ mặt hiếu khách mự tôi nhẹ nhàng nói:
– Mời hai ông tạm nghỉ , rửa mặt rửa tay ăn cơm rồi đàm đạo tiếp.
Mự dứt lời đã thấy thằng con trai bê chậu nước trong vắt, trên vai vắt chiếc khăn mặt còn mới mời khách rửa mặt. Ông khách vừa rửa ráy vừa liếc nhìn mâm cơm rồi lên tiếng:
-Anh em chúng tôi làm phiền chị và cháu, chị cho ăn cơm là quý rồi chứ bầy biện thế này ngại quá.
-Bác từ xa đến thăm nhà là quý hóa cho chúng em rồi, cơm nước bày biện sơ sài, có chén rượu nhạt mời Bác, mong Bác đừng chê.
Mự tôi đon đả như dân thành phố thứ thiệt, xong lui bước xuống nhà, khách vội nói với theo:
-Mời chị và các cháu cùng lên trên này ăn cho vui.
-Thôi để hai ông vừa ăn vừa chuyện trò, mẹ con em chỉ biết ăn nhiều mà không biết nói, ngồi đó chỉ làm vướng chuyện các ông.
Mự tôi vừa cười vừa trả lời, chân bước nhanh xuống bếp không để khách không kịp nói thêm gì. Ông khách ngồi xuống mâm rồi nói nhỏ đủ cho chú tôi nghe:
-Vợ con nhà ông thật nền nếp.
-Vâng, – Chú tôi cũng trả lời nhỏ nhẹ và vô cùng thành thật, bởi nhìn mâm cơm ông biết mươn cơm dưới bếp, 3 mẹ con chỉ còn 2 cái chân gà và mấy củ khoai lang luộc sáng nay.
Dưới bếp, mự tôi chia 2 cái cẳng gà cho mỗi đứa con 1 cái rồi kéo mấy củ khoai về phía mình, mự bóc ăn ngon lành, vừa ăn vừa cười nháy mắt nói nhỏ với con:
-Ăn tạm đi, chút nữa dọn mâm thì tha hồ .
Mự không nói thì 2 đứa cũng biết vậy, mồm mút cái cẳng gà khô đét cho vui còn tai chúng nó thì đang dong dỏng về phía nhà trên đợi tiếng gọi của cha: ” Bay đâu, lên dọn mâm, lau bàn và mang nước chè xanh lên”. Lúc đó mới thực sự là bữa tiệc của chúng nó.
Đợi lúc lâu thằng bé sốt ruột, nó cho cái cẳng gà vào bát của mẹ:
-Cho mẹ đó, chút nữa con ăn sau.
Nói xong nó đứng dậy lẻn ra phía sau nhà trên, nhón chân bám vào song cửa sổ để nghe lỏm chuyện của 2 người vừa theo dõi mâm cơm khách.
Mâm trên, chủ và khách xem chừng đói bụng, gặp rượu ngon nên ăn uống hăng say, rượu vào, chữ nghĩa thơ phú phun ra, cả hai tỏ vẻ tâm đắc hợp ý lắm. Loáng 1 chốc đĩa bát đã sạch trơn, chú tôi đã ngà ngà rượu, hai tay cầm cái đĩa còn sót lại duy nhất miếng thịt gà giơ về phía khách mà nói:
-Chẳng mấy khi anh tới nhà,còn 1 miếng thịt cuối tôi kính anh, anh không nhận là coi như anh chê chúng tôi nghèo, khinh chúng tôi bạc.
Khách cũng đã chếnh choáng hơi men, đứng lên nắm hai tay ngang cằm trịnh trọng:
– Thịnh tình hôm nay của anh chị tôi xin ghi tạc, mong có dịp mời anh chị tới nhà tôi chơi cho tôi có dịp bày tỏ, sách có câu:” Cung kính không bằng tuân lệnh”, anh đã nói vậy tôi không khách sáo nữa.
Nói xong ông gắp miếng thịt bỏ luôn vào mồm.
Ngoài cửa sổ, thằng bé đang theo dõi tình tiết, khi thấy ông khách nuốt miếng thịt cuối cùng, nó buông tay khỏi song cửa hét lên 1 tiếng xé trời:
-Thôi rồi na
Rồi đổ vật ra vườn, mặt mày xám ngoét, chiếc áo cụt hếch lên phơi bày cái bụng kẹp lép dính sát xương sống, đám xương sườn lồ nhồ rải cong queo như dây khoai chạc mất mùa, 2 củ khoai ăn lúc sáng dồn ngược lên làm cổ họng nó chua và nóng, mắt nó nhắm nghiền kiệt sức, mồ hôi vã ra khắp người, miệng lắp bắp: Thôi rô na, thôi rô na…….
Con chị chạy ào đến ôm chặt lấy em vào lòng, nước mắt nước mũi nó trào ra xối xả, đôi vai gầy rung lên cùng tiếng nấc:
-Đừng em, đừng em ơi…mai chị làm thịt gà khác cho em, mai chị thịt con gà khác cho em.
Trong bếp mự tôi ngồi chết lặng bên mươn, chiếc chân gà đang gặm găm cứng ngang mồm, hai hàng nước mắt chảy tong tong qua cái cẳng gà chui vào mồm mặn chát.
Chú tôi đứng chết lặng nhìn 2 đứa con gầy gò tội nghiệp ôm nhau nằm dưới đất, lúc này ông tỉnh hẳn rượu, hai tay ông vặn chéo vào nhau, mặt ông méo xẹo chuyển từ màu đỏ sang tái nhợt, ông muốn tát thật mạnh vào mặt mình nhưng có mặt khách nên không dám, thâm tâm ông xấu hổ, ân hận khôn cùng. Chỉ có ông khách là không hiểu chuyện gì đã xẩy ra, trước lúc dắt xe ra ông hỏi chú:
-Cháu trai bị bệnh gì hả ông?
Một hồi lâu, chú tôi mới lắp bắp:
-Bệnh THÔ RÔ NA ông ạ.
One thought on “Bệnh Thô Rô Na”
Ôi, truyện của Chú! Châm biếm, sâu sắc quá chú ơi. Con bây giờ mới được biết đến văn chương Chú. Cảm ơn chú và nhớ chú nhiều 🙏❤️🙏