Để khẳng định điều này, tôi phải kể hai câu chuyện cho các bạn tin:
CÂU CHUYỆN THỨ NHẤT
Hồi đó tôi học lớp 4 ở xã, hôm đó có thầy của phòng thanh tra giáo dục về thăm trường. Ngay khi vào lớp, cô giáo dạy văn nhỏ to căn dặn chúng tôi phải đọc to, đọc rõ ràng để lấy điểm với thầy, nhìn vẻ mặt nghiêm trọng của cô, chúng tôi biết mình phải làm gì.
Hôm đó cô cho lớp chúng tôi học bài thơ :Hoan hô chiến sỹ Điện Biên, chiến sỹ anh hùng, đầu nung lửa sắt… Bài này cả lớp đều thuộc làu vì đã học tới 2 lần. Đến đoạn …”Máu các chiến sỹ ta không uổng, sẽ xanh tươi đồng ruộng Việt Nam” ….cũng là lúc thầy thanh tra đi qua lớp, chúng tôi đồng thanh gào to lên để lấy điểm cho lớp. Đột nhiên thầy quay lại đi thẳng vào lớp và nói:
– Các em đọc sai rồi, bây giờ đọc theo tôi.
Bằng giọng đặc trưng của Quảng Bình, thầy cao giọng:
-Mạu cạc chiền sỵ ta không uộng
– Máu các chiến sỵ ta không uống- Cả lớp lặp lại thầy
– u ô ng uông họi uộng – Thầy rành rọt đánh vần
– u ô ng uông hói uống- Cả lớp trân trọng đánh vần theo thầy
– Không uộng, không uộng – Thầy không giữ được bình tĩnh
– Không uống , không uống – Chúng tôi cũng gào lên chẳng kém thầy.
Đập tay xuống bàn một cái, thầy ra xách xe đạp đi thẳng một mạch, để lại cho cô giáo và chúng tôi tháng ngày lo lắng.
Thầy là người tốt, có tài tuy nóng tính, nghĩ gì là nói ngay. Sau chuyện này, thầy đi luôn một mạch về quê và bỏ luôn nghề giáo dục chuyển sang sở nông nghiệp tỉnh Quảng Bình. Chuyện của thầy tôi sẽ quay lại sau.
CÂU CHUYỆN THỨ HAI
Đó là ngày hợp tác xã tổ chức liên hoan đón giấy khen của huyện vì đã hoàn thành nghĩa vụ thu thuế trước thời hạn, tất nhiên được mổ lợn. Đấy là vấn đề không dễ, vì dân quê tôi chỉ biết nuôi lợn chứ chẳng mấy khi ăn thịt, giết lợn lại càng không có mấy người biết. Sau khi xem xét kỹ càng, tập thể chọn ra được 2 người có liên quan đến dao kéo nhiều nhất : đó là anh thợ cắt tóc và anh thợ rèn.
Nơi mổ lợn là nơi đông vui nhất,có hai người mổ lợn nhưng hơn chục người đứng coi. Một anh người Nam Định xem ra biết nghề hơn nhận xét:
-Con lơn ngon nhưng pha thịt kém quá, nhìn miếng thịt không ra thịt, xương không ra xương.
Anh thợ rèn và anh thợ cắt tóc vẫn nhẫn nại không nói gì, anh Nam Định tiếp
-Chọc tiết dở quá, toét hết cổ mà không trúng tim, máu ứ nhiều làm cho thịt vừa thâm vừa hôi.
Thợ rèn và cắt tóc vẫn cúi gầm mặt xả thịt, nhưng mặt đã nóng lên, tay nắm chặt cán dao hơn, tiếng chặt thịt nghe đanh lại. Nghỉ được 1 lúc, anh Nam Định lại tiếp:
-Con lợn ngon vậy mà không biết đánh tiết canh, ít nhất cũng phải được chục đĩa chứ chả chơi, tiết canh mà có rượu nếp, lạc quê mới bá chấy, uổng quá, uổng quá…
Dường như không thể chịu được nữa, anh thợ rèn phập con dao vào cái đầu lợn, đứng phắt dậy chống tay vào hông mà thét:
-Không tiết canh tiết cọ chi hết, tau nói không uống là không uống, mi uống nhưng choa không uống nghe chưa?
Nhìn anh, tôi biết anh đang nói thật.